Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Bí Kíp Bỏ Túi Để Có Một Bài Viết Quảng Cáo Hay Nhất



Bạn muốn công việc kinh doanh của bạn mang lại nhiều lợi nhuận? Thế thì, còn chần chừ gì nữa, hãy viết những quảng cáo hiệu quả - đó chính là những con tàu chở vàng của bạn. Xin tiết lộ 9 bí quyết mà bạn nhất định phải biết khi viết quảng cáo.



1. Tiêu đề hấp dẫn
Ngôn từ trong tiêu đề quảng cáo quyết định hơn 70% sự thành công của quảng cáo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải mất nhiều công sức cho việc này.

Mục đích chính của tiêu đề là thu hút sự chú ý của người đọc. Chính vì thế, tiêu đề của bạn phải đạt được mục đích này và tập trung vào các khách hàng tiềm năng.

Các khách hàng này muốn gì? Họ cần gì? Họ thích gì và không thích gì? Các khách hàng tiềm năng càng dễ nhận ra mình và nhu cầu cũng như nguyện vọng của họ khi đọc quảng cáo của bạn bao nhiêu thì họ càng nhanh chóng mua mặt hàng được quảng cáo bấy nhiêu.

2. Câu đầu tiên của bài quảng cáo cần phải nhấn mạnh đề tài quảng cáo
Nếu như trong tiêu đề, bạn đã hứa hẹn một phương thức kiếm tiền mới rất hiệu quả thì câu đầu tiên của quảng cáo phải hướng tới đề tài này, thôi thúc khách hàng quan tâm hơn nữa đến phương thức kiếm tiền trên.

3. Ngay sau đoạn quảng cáo đầu tiên, độc giả cần phải hiểu được bản chất của quảng cáo
Nói một cách khác, đoạn đầu tiên phải là nội dung cô đọng của cả bài quảng cáo. Không phải vô lý mà người ta cho rằng việc duy trì được sự quan tâm của độc giả trong suốt cả bài quảng cáo ngày càng trở nên khó hơn, trong khi doanh thu bán hàng thì lại vẫn phụ thuộc vào việc quảng cáo của bạn được đọc bao nhiêu lần.

Vì thế, đơn giản là bạn chỉ cần học cách rút gọn lại “câu chuyện” về hàng hoá hay dịch vụ thành một đoạn văn chỉ dài vài dòng. Vậy thì ở những đoạn sau, chúng ta sẽ viết gì đây?! Còn gì hơn nữa ngoài chính sản phẩm được quảng cáo, nhưng sẽ chi tiết cụ thể hơn.

4. Hãy chi tiết hoá, đừng đưa ra những thông tin chung chung
Bạn hãy cung cấp các thông tin chi tiết trong quảng cáo. Thay vì quảng cáo “Bạn hãy làm đầy hộp thư điện tử của mình bằng tiền mặt”, hãy viết “Bạn hãy nhận 355$ trong một ngày ở hộp thư điện tử của mình”. Bạn hãy đừng nói “Bí quyết kiếm tiền” mà hãy nói “Một người đàn ông 63 tuổi tiết lộ những cách thức kiếm tiền, giúp ông ta kiếm được 578 đô la trong một ngày!”

Thông tin chi tiết khiến cho quảng cáo của bạn giống như thật. Khi bạn nói chung chung, khách hàng tiềm năng của bạn có thể nghĩ “Ồ, lại là sự bịa đặt thôi mà” và thông tin chính xác trong quảng cáo của bạn sẽ khiến các khách hàng nghĩ: “Có lẽ, người ta đã tính toán chính xác rồi. Thế thì tại sao mình lại không thử xem thế nào nhỉ?”

Bạn nhớ đừng bỏ qua chi tiết sau: sự chi tiết hoá luôn luôn có sức thuyết phục hơn những câu từ chung chung. Hãy đọc kỹ bài quảng cáo của mình và hãy chi tiết hoá nó!

5. Hãy sử dụng những thông tin về chính bản thân mình
Ngày nay nhiều quảng cáo áp dụng nguyên tắc “Tôi cũng thế”, vì người tiêu dùng hay có xu hướng bắt chước các nhân vật trong quảng cáo. Nhưng bạn nên nhớ rằng nguyên tắc này lại là con dao hai lưỡi.

Việc lạm dụng nó đôi khi lại không mang lại hiệu quả mong đợi. Người tiêu dùng đã quá mệt mỏi và bị phản cảm. Vì thế bạn phải có một cách tiếp cận thật độc đáo.

Bạn là người cao tuổi? Là thanh niên? Bạn bị khuyết tật điếc? Khi còn ở ghế nhà trường, bạn chuyên bỏ học? Bạn chỉ mới học hết lớp 8? Hãy đừng ngần ngại sử dụng những thông tin về bản thân trong quảng cáo của mình.

Một người đàn ông bị hói đầu có thể viết quảng cáo như sau: “Đô la do một người đàn ông 57 tuổi hói đầu kiếm được mọc nhanh hơn tóc của một thanh niên trai tráng!” Thật là ấn tượng phải không bạn?

Bạn hãy tìm một điều gì đó khác người ở bạn và hãy sử dụng nó khi viết quảng cáo. Hãy cứ để mọi người biết được con người thực của bạn, như thế họ sẽ bắt đầu tin tưởng vào bạn và không phải chính niềm tin kích thích chúng ta mua hàng hay sao?

6. Hãy chú trọng đến lợi ích chứ không phải là những đặc điểm khác biệt của sản phẩm
Bạn cần phải tập trung quảng cáo vào lợi ích mà sản phẩm của bạn mang lại chứ không phải là những đặc tính của nó. Nếu bạn nghĩ rằng, lợi ích và đặc tính là một thì bạn đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng đó.

Đặc tính của sản phẩm của bạn, đó là chất liệu làm ra sản phẩm, phương thức thanh toán... Lợi ích - đó là những gì mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng. Đặc tính chú trọng đến sản phẩm, trong khi lợi ích chú trọng đến người tiêu dùng.

Lợi ích chính là “Khách hàng sẽ kiếm ra được bao nhiêu tiền?”, “Khách hàng sẽ giảm được bao nhiêu cân?”, “Tóc sẽ mọc được dài đến đâu?”. Bạn cần phải viết những quảng cáo hướng đến người tiêu dùng, chứ không phải hướng đến sản phẩm, vì sự lựa chọn đối tượng của bạn sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của chiến dịch quảng cáo.

7. Hãy sử dụng những lời giới thiệu hoặc những nhận xét tích cực
Dù cho lời lẽ quảng cáo của bạn có thuyết phục đến mức nào đi chăng nữa thì đa số đám đông vẫn không tin ngay nội dung của nó. Vì thế, hãy cho họ một thời gian để họ có thể tin tưởng bạn. Nhưng để không mất đi thời giờ quý báu của mình, hãy sử dụng trong quảng cáo những ý kiến nhận xét tốt về hàng hoá hoặc dịch vụ.

Mọi người thường có xu hướng tin tưởng những lời giới thiệu của những người không quen biết hơn là những người viết quảng cáo.

Việc có được những ý kiến này từ phía khách hàng dễ hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Bạn hãy chuẩn bị sẵn mẫu “Ý kiến khách hàng” (bắt buộc phải có chữ ký của khách hàng) và phát cho tất cả các khách hàng của bạn. Hãy để cho họ biết rằng, bạn quan tâm đến việc họ nghĩ như thế nào về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Sau khi khách hàng đã cung cấp cho bạn các ý kiến của họ, bạn hãy sử dụng chúng tối đa khi quảng cáo.

8. Hãy nhấn mạnh sự chú ý của người tiêu dùng vào bảo hành
Bảo hành sẽ góp phần tăng doanh thu bán hàng. Nếu như sản phẩm của bạn có bảo hành, hãy nhấn mạnh điều này để nó đập ngay vào mắt khách hàng. Đây chính là sự kích thích rất lớn đối với người tiêu dùng, giúp họ vượt qua được mọi sự e ngại, hoài nghi, thậm chí là chống đối để mua hàng. Doanh thu thu được từ bán hàng thường nhiều hơn rất nhiều để bù đắp chi phí dành cho bảo hành hoặc các chi phí khác liên quan đến quá trình này.

9. Đơn giản hoá quy trình đặt mua hàng
Hãy đơn giản hoá quá trình đặt hàng. Điều này đơn giản đến mức nhắm mắt cũng tưởng tượng ra được, thế nhưng vẫn có nhiều quảng cáo vi pham nguyên tắc này. Hãy hướng dẫn cụ thể để khách hàng có thể đặt hàng dễ dàng.

Ví dụ như: “Chỉ cần nhấc điện thoại và gọi số 1-800-000-0000. Hãy gọi ngay bây giờ!” hoặc “Hãy điền các thông tin vào phiếu đặt hàng và gửi fax theo số 1-000-000-000” hay “Hãy gửi đơn đặt hàng theo địa chỉ: số 27, Đại lộ FT Washington, New York!” Khách hàng của bạn cần phải hiểu rõ những gì họ cần làm để có thể nhanh chóng đặt hàng.

Cũng xin lưu ý một chi tiết nữa, rằng bạn sẽ có thể tăng doanh số bán hàng lên từ 50% đến 100% nếu như bạn nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hình thức thanh toán này sẽ củng cố thêm niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp của bạn và góp phần tăng doanh thu đối với các doanh nghiêp nhỏ hoặc doanh nghiệp tại gia.

Hãy đặt mua cuốn sách “Làm thế nào để tăng hiệu quả kinh doanh, ít nhất là 50%, bằng cách chấp nhận thẻ tín dụng”. Bạn thấy không, chúng tôi cũng đang quảng cáo sản phẩm của mình đấy!!!

Bốn Chiến Lược Marketing "Độc Nhất Vô Nhị"


Có rất nhiều chiến lược marketing khác nhau, nhưng có lẽ chỉ những chiến lược marketing độc đáo nhất mới phát huy hết vai trò thực sự trong việc thu hút khách hàng. Điều này đòi hỏi mỗi doanh nhân cần có sự phân tích, nghiên cứu kỹ thị trường và điều quan trọng là có chút ít “sự thông minh”.

1. Phỏng theo các món ăn hoàng đế đã ăn

Đó là cách mà nhà hàng Hasvey nằm tại bang California, Mỹ, do một người Trung Quốc làm chủ đã thực hiện hàng chục năm nay. Các món ăn ở đây kinh doanh hoàn toàn phỏng theo phương pháp làm các món ăn trong cung đình của các hoàng đế Trung Quốc. Ở nhà hàng này luôn chú ý đến tâm lý khách hàng. Khách hàng luôn có tình cảm thần bí, ngưỡng mộ, bắt chước nào đó đối với các hoàng đế. Đặc biệt là những người dân phương Tây, họ rất có hứng thú đối với các món ăn hoàng đế Trung Quốc đã từng ăn. Thậm chí để tăng thêm cảm giác thần bí của các món ăn trong cung đình, nhà hàng còn sưu tầm thêm rất nhiều truyền thuyết về các món ăn cung đình, tập hợp thành những câu chuyện hấp dẫn ly kỳ, sau đó các nhân viên nhà hàng lại giới thiệu mỗi khi phục vụ khiến cho khách hàng nghe xong cảm thấy thêm phần hứng thú.

Mới đây, thị trưởng thành phố Washington, Mỹ đã tổ chức buổi tiệc tại nhà hàng này. Các nhân viên phục vụ bê lên một đĩa thức ăn và không quên giới thiệu rằng: “Có một lần Từ Hy Thái Hậu trong giấc ngủ mơ thấy ăn bánh nướng thịt băm. Sáng sớm hôm sau cũng vừa vặn người đầu bếp cũng chuẩn bị bánh nướng thịt băm. Hoàng hậu nghĩ rằng đây là điềm lành may mắn như ý. Món bánh nướng mà hôm nay các vị ăn chính là món bánh nướng thịt băm ấy đấy. Mong cho mọi người ăn món này vạn sự như ý, luôn luôn may mắn”. Lời cô phục vụ vừa dứt đã dẫn đến những tràng vỗ tay không ngớt khiến ông thị trưởng Washington và quan khách rất xúc động. Vị thị trưởng vui mừng bày tỏ rằng: “Lầm sau nếu đến California tôi nguyện sẽ lại đến chỗ các bạn”. 

Chính cách kinh doanh tuyệt với đó đã khiến cho nhà hàng tiếng tăm lừng lẫy, khách từ nhiều nơi đổ về đây để thưởng thức. 

2. Đồng tiền gặp may
Từ lâu không chỉ ở châu Á mà ở cả các nước Anh, Mỹ, người ta tin rằng nếu bỏ một số đồng tiền vào ví tiền mới thì sẽ gặp may. Tận dụng điều này, một cửa hàng bán lẻ của Mỹ đã thường xuyên bỏ vào mỗi ví và túi xách của cửa hàng mình một đồng 6 cent, đồng thời in thêm dòng chữ sau đây vào danh thiếp “có lẽ cách làm của chúng tôi hơi cổ lỗ những cầu chúc bạn gặp nhiều may mắn”. Chi phí cho việc quảng cáo này chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng túi xách, ví tiền đã bán chạy nhanh chóng khiến cho cửa hàng trở nên nổi tiếng. Còn vị trưởng quầy đó lập tức được thăng chức vụ cao hơn. 

3. Cửa hàng tự động giảm giá
Trên một đường phố ở Mỹ có một toà nhà 8 tầng gắn chữ “Phrin” toà nhà này chính là công ty bán lẻ Phrin. Ở cửa hàng này có một cách tiêu thụ đặc biệt là tự động giảm giá cho các loại hàng hoá, phương thức là: hàng hoá của cửa hàng này đều được tự động hạ giá theo thời gian. Sau 1 tháng có thể hạ xuống số 0 có nghĩa là đem tặng hoặc làm từ thiện. Mỗi một thứ hàng bày bán trong cửa hàng này bên cạnh biển giá còn có biển ghi ngày tháng bắt đầu bán. Trong vòng 12 ngày kể từ ngày bán đầu tiên hàng được bán nguyên giá, nếu hàng này không bán được thì từ ngày thứ 13 trở đi tự động giảm giá 25%, nếu hàng có giá trị là 200 USD thì chỉ còn 150 USD. Qua 6 ngày nữa mà vẫn không bán được thì giảm tiếp 25 giá nữa tức là 50% so với giá bán ban đầu, nếu hàng gốc là 100 USD thì giờ chỉ thu 50 USD. Lại qua 6 ngày nữa hàng này vẫn không bán được thì giảm tiếp 25% giá nữa tức là 75% so với giá bán ban đầu. Như vậy, hàng giá 100 USD giờ chỉ thu 25 USD. Lại qua tiếp 6 ngày cuối cùng của tháng nếu vẫn chưa không có người mua thì hàng này đem tặng cho các tổ chức từ thiện xử lý. 

Chính cách bán hàng tự động hạ giá như vậy của công ty này đã chứng minh rằng hoạt động kinh doanh của họ rất thành công. Khách hàng đến với cửa hàng lúc nào cũng đông nườm nượp. Sẽ có vấn đề đặt ra rằng, giả sử nếu khách hàng nào cũng chờ đến khi hạ giá mấy mức giá mới mua thì của hàng sẽ lỗ vốn mất. Song các nhân viên cửa hàng đều giải thích rằng: đa số khách hàng chỉ đợi giảm giá đợt 1 là đã đổ xô đến mua, không ai dám chờ đến đợt khác, bởi vì nếu hạ giá mà không mua thì sợ người khác sẽ mua lại mất. Vì thế không ai bảo ai, họ tranh nhau các hàng hoá ở đây.

4. Lợi dụng hiệu ứng ảnh hưởng dây chuyền
Một cửa hàng ở Pháp bán các đồ gỗ nội thất, thế những suốt ba tuần kể từ ngày khai trương cửa hàng không có khách hàng nào biết đến cửa hàng. Ông chủ cửa hàng bèn tìm đến John Smith, một chuyên gia nổi tiếng về kiến trúc nội thất nói rằng: Cửa hàng tôi có nhiều đồ gỗ nội thất những suốt ba tuần qua chẳng có khách hàng nào đoái hoài đến, nay nhờ ông giúp đỡ, ông cứ đi vài vòng xung quanh cửa hàng tôi, trước khi bỏ đi thì quay đầu nhìn lại, tôi sẽ trả phí tổn cho ông trong các ngày đó”. 

Smith đồng ý làm theo lời thỉnh cầu này của ông chủ cửa hàng. Smith vốn là một chuyên gia nổi tiếng về nội thất gia đình, nay mọi người thấy Smith xuất hiện mấy ngày liền cứ vòng đi vòng lại cửa hàng, nhìn nhìn, ngó ngó, trước khi rời đi lại quay đầu lại nhìn một cách ra vẻ tiếc rẻ khiến cho lập tức ai cũng đến xem bình phẩm đồ gỗ nội thất của cửa hàng. Lập tức cửa hàng không những tiêu thụ mạnh sản phẩm của mình mà giá cả còn tăng lên đáng kể. 

Điều này chứng tỏ ông chủ cửa hàng là người rất giỏi thuật bán hàng, ông ta đã biết lợi dụng ảnh hưởng của người nổi tỉếng am hiểu về đồ gỗ nội thất trên thị trường khiến sản phẩm của cửa hàng bán được nhiều, giá lại cao.

Lời Giải Nào Cho Bài Toán Marketing Thời "Thắt Lưng Buộc Bụng"?

Lúc khó khăn nhất cũng là khi mạng xã hội ra đời, giúp doanh nghiệp Việt gỡ bí trong hoạt động marketing. Việc chậm chạp và ngại thay đổi sẽ là "liều thuốc độc" cho những doanh nghiệp không theo kịp thời đại.


Khi marketing "thắt lưng buộc bụng"
Khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đua nhau "ém" chặt chi tiêu nhằm duy trì hoạt động, tái cấu trúc sản xuất, chờ thời gian khó trôi qua. Thế nên, marketing cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi xưa nay, đây chính là khâu hao tốn không ít tiền của doanh nghiệp. Là "huyết mạch" cho sản xuất và cung ứng, marketing nắm giữ sự sống của các công ty nên việc rút bớt tiền cho lĩnh vực này suy cho cùng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn. Chính vì lẽ đó, marketing hiện nay ngoài việc đảm bảo được chức năng thỏa mãn khách hàng còn phải "vừa" túi tiền của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, marketing truyền thống hiện nay dường như không đáp ứng tốt được cả hai nhiệm vụ vừa nêu.
Thứ nhất, marketing truyền thống ngày càng khó làm khách hàng thỏa mãn vì tính áp đặt và thiếu cơ động của mình. Với cách tiếp cận thông tin một cách áp đặt, từ đó "cưỡng bức" thông tin lên khách hàng qua hệ thống thông tin đại chúng: tivi, báo đài, banner, poster, thư từ... các doanh nghiệp đơn thuần chỉ chuyển đến khách hàng thông tin đúng chất quảng cáo sản phẩm.
Trái lại, điều mà doanh nghiệp rất cần chính là sự cảm nhận, suy nghĩ và phản hồi từ khách hàng thì marketing truyền thống chưa làm được. Có chăng chỉ là những phản hồi lẻ tẻ, mang tính hình thức và không có ý nghĩa về mặt nghiên cứu định lượng. Hạn chế này dẫn đến khách hàng dần xa lánh các hình thức marketing truyền thống, đơn giản như "đồ hết dùng thì... bỏ đi".
Thứ hai, marketing truyền thống hao tốn rất nhiều tiền của doanh nghiệp. Các dịch vụ chào hàng qua điện thoại, gửi thư, các chương trình tiếp thị, các sự kiện ra mắt sản phẩm... đều phải chi rất nhiều cho nhân sự, hậu cần, vật liệu chuẩn bị...
Theo thống kê, tại Mỹ có ít nhất 200 triệu người đua nhau đăng ký không nhận cuộc gọi mục đích quảng cáo từ các công ty doanh nghiệp. Ngoài ra, có đến 91% khách hàng thẳng tay dở bỏ các email nhận quảng cáo, 84% người độ tuổi 25-34 rời bỏ website có quảng cáo không hữu ích, 86% người chuyển kênh tivi ngay khi có quảng cáo, 44% thư gửi trực tiếp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng không bao giờ được mở...
Tuy nhiên, không phải cứ tiêu hao thì hiệu quả sẽ như ý muốn. Nhiều chương trình tiếp thị được tung ra nhưng chệch hướng khách hàng mong muốn. Những quảng cáo triệu đô trên màn ảnh nhỏ lắm lúc khiến khán giả... lắc đầu vì "không hiểu gì". Thậm chí có những banner, poster... gây phản cảm khiến dư luận "ném đá". Lý do: doanh nghiệp chưa đọc được suy nghĩ khách hàng, chưa nhận được sự tương tác của "thượng đế" mà làm ẩu, làm bừa.
Marketing mạng xã hội: Lợi trăm bề
Marketing truyền thống vì thế dường như đang mất "đất" trong thế giới phẳng hiện nay. Thay vào đó, vai trò chủ đạo trong marketing hiện đại là mạng xã hội. Theo nghiên cứu của một công ty chuyên về dịch vụ khảo sát, marketing trực tuyến, có đến 35% người dân tham khảo thông tin dịch vụ, sản phẩm từ Facebook, blog công ty, Youtube... trước khi quyết định mua sử dụng. Đây là lợi thế của thời đại công nghệ thông tin mà marketing khai thác từ các mạng xã hội. Thông qua các trang này, với độ tốc độ lan truyền chóng mặt, sẽ giúp thông tin doanh nghiệp cùng sản phẩm xuất hiện nhanh chóng trên các công cụ tìm kiếm như google, yahoo...
Nhờ đó, nay là lúc khách hàng chủ động tìm đến sản phẩm, chứ doanh nghiệp khôngphải cố tìm đến khách hàng như marketing truyền thống. Nhờ đó, việc thu thập và tổng hợp, phân tích đánh giá chuyên môn số liệu từ khách hàng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và chính xác.
Bên cạnh đó, nếu giải pháp thông tin mạng xã hội hấp dẫn và lan rộng nhanh, công ty bạn sẽ có nguồn backlink dồi dào, website công ty sẽ tăng hạng trên các công cụ tìm kiếm, nhiều khách hàng nhanh chóng viết đến công ty theo cơ chế lan tỏa domino.
Hiệu quả càng cao sẽ khiến doanh nghiệp càng bất ngờ khi chi phí cho marketing mạng xã hội rất... "mềm". Theo đó, để có một khách hàng tiềm năng thì marketing mạng xã hội chỉ mất 38% kinh phí so với việc sử dụng marketing truyền thống. Trái lại, doanh thu khi dùng marketing mạng xã hội lại tăng vùn vụt. Có 57% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp họ có nhiều khách hàng hơn nhờ blog công ty, hoặc dùng Linkedin. Bên cạnh đó, 48% doanh nghiệp hút hàng nhờ Facebook và 42% nhờ Twitter.
Đừng để phải "đuổi" theo thời đại
Rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài nắm bắt lợi thế và xu hướng tất yếu của marketing mạng xã hội nên đã không chần chừ nghiên cứu và "dụng võ". Năm 2011 chứng kiến 61% doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào ngành marketing mạng xã hội. Nhìn lại giai đoạn 2009-2012, ngân sách cho marketing mạng xã hội các nước trên thế giới tăng gấp đôi. Số doanh nghiệp sử dụng Facebook như một hoạt động marketing chiến lược tăng 83% trong 2 năm qua.
Theo nghiên cứu của Phó giáo sư Marc Divine (IEA Paris) về mạng xã hội, hơn 50% trong số 200 công ty quốc tế như IBM, L'Oreal, Unilever... đã dùng marketing mạng xã hội. Ở Mỹ, hơn 70% số doanh nghiệp marketing qua Facebook, 58% dùng Linkedin, 40% dùng Twitter và 26,8% dùng Youtube.
Tại Việt Nam, đã có vài thương hiệu mạnh lên nhanh chóng nhờ đến marketing mạng xã hội. Điển hình như một hãng sản xuất cơm kẹp (một dạng fastfood kiểu Việt) đã làm nên "tên tuổi" chỉ sau ba tháng nhờ Facebook và các diễn đàn.
Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp hiếm khi đa phần các doanh nghiệp Việt dường như còn quá e dè với hình thức marketing, mà theo họ là mới (dù thực tế thì không mới). Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả forum, blog (chiếm 1%). Trong đó, 0,4% doanh nghiệp dùng Facebook (khoảng 2.000 doanh nghiệp) để quảng cáo; 0,07% dùng Youtube; và khoảng 0,2% còn lại dùng các mạng xã hội khác như Twitter...
Khi xã hội ngày càng lên cao nhờ sức nâng của công nghệ thì việc chậm chạp và ngại thay đổi sẽ là "liều thuốc độc" cho những doanh nghiệp không theo kịp thời đại. Câu chuyện về những "con trâu chậm" sẽ không bao giờ có "nước trong" để uống giữa một "cánh đồng" xô bồ, chưa kể đang ngày càng cạn nước hi vọng sẽ cảnh tỉnh các doanh nghiệp trước khi lâm vào đường bế tắc.

Marketing Online - Chiếc Đũa Thần Trong Thời Khủng Hoảng

Sử dụng công cụ thông tin điện tử đã bắt đầu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tiếp thị trực tuyến (online marketing) liệu có thể ví như "đôi đũa thần" trong bối cảnh của nền kinh tế "thắt lưng buộc bụng"?


Có thể chia các phương thức quảng cáo thành hai loại: một chiều và đa chiều. Báo chí, truyền thông... được xếp vào loại quảng cáo một chiều truyền thống. Phương thức quảng cáo đa chiều có sự hiện diện của hai "ông lớn" marketing qua website (website riêng của doanh nghiệp) và qua mạng xã hội.
Về mặt từ ngữ, dễ mơ hồ giữa hai khái niệm quảng cáo thuộc phạm trù trực tuyến trên. Hiểu một cách đơn giản, marketing website và mạng xã hội đều là tạo dựng một không gian tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu sở hữu một tài khoản Facebook, Twitter giống như thuê một văn phòng thì sở hữu một website đồng nghĩa với xây dựng hẳn một căn nhà trên mảnh đất điện tử cho công ty.
Ra đời trước "đứa em" mạng xã hội, nhưng "người anh" website đang bị ghẻ lạnh. Từ vụ lùm xùm các doanh nghiệp Việt ngậm ngùi mua lại các tên miền quốc tế với giá hàng tỷ đồng, đến lơ là cập nhật các sản phẩm mới mà vẫn trưng những mẫu mã từ thời mới đưa website vào hoạt động. Sự thờ ơ này được "biện hộ" do yêu cầu kĩ thuật khá cao để thiết kế và vận hành một trang website, so với sự thuận tiện và lợi nhuận mà mạng xã hội đem lại.
Dễ dàng kể ra ba lý do để các doanh nghiệp thường có xu hướng sở hữu một tài khoản mạng xã hội và cập nhật 24/24. Thứ nhất, phí để tạo một tài khoản là 0 đồng so với một mẩu tin truyền thông tốn kém. Doanh nghiệp chỉ cần cử nhân viên quản lý trang thương mại của mình. Thứ hai, khả năng lan tỏa trong cộng đồng cư dân mạng. Với tính tương tác, hình thức quảng cáo này dễ tạo sự chú ý của những người trẻ. Thứ ba, tính nóng hổi của các mẫu quảng cáo bởi quá trình nhập thông tin đơn giản và nhanh chóng.
Bằng chứng cho "sự thiên vị" này là 61% doanh nghiệp tìm đến loại hình marketing qua mạng xã hội này. Trong khi cũng trong năm 2011, theo báo cáo điện tử của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, số doanh nghiệp có website hầu như vẫn "dậm chân tại chỗ".
Ngoài số doanh nghiệp sở hữu website không tăng, thậm chí số dự kiến xây dựng "ngôi nhà" online còn giảm 10% so với năm 2010. Nếu nói rằng do chính sách cắt giảm chi tiêu nên doanh nghiệp hạn chế các khoản phí đầu tư cho website, thì khi tính đến dài hạn, doanh nghiệp sẽ không ước tính được doanh số từ lượng khách hàng họ đã bỏ qua chỉ vì không tìm thấy thông tin cần thiết về sản phẩm trên website. Nguyên do chính vẫn là một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sở hữu một website giới thiệu chính mình.
Đầu tiên, website không khác gì bộ phận lễ tân của doanh nghiệp. Nếu như trước đây, người tiêu dùng sẽ "tiền trạm" trực tiếp tại nơi cung cấp hàng hóa dịch vụ thì nay họ sẽ tìm kiếm những điều cần thiết, thậm chí thực hiện giao dịch như đặt hàng chỉ bằng một cú click chuột. Thông qua những thông tin quan trọng của website như: sản phẩm, giá thành, địa chỉ, cùng giao diện, cách bố trí thông tin... người tiêu dùng có xu hướng đánh giá mức độ chuyên nghiệp trước khi quyết định giao dịch. Hơn nữa hiện nay, số người thông thạo việc dùng website nhiều hơn số lượng người thạo dùng facebook, mạng xã hội vẫn còn khá mới đối với những khách hàng cổ điển.
Hơn nữa, trong quá trình thiết kế, vận hành và khai thác, doanh nghiệp có thể làm chủ mọi thông tin có lợi cho mình. Ngược lại, tính tương tác cao của mạng xã hội lại dễ dàng dẫn đến sự nhiễu thông tin trong dư luận một cách dễ dàng. Chỉ cần một phản hồi tiêu cực, uy tín của công ty lập tức bị ảnh hưởng.
Và điều cuối cùng khẳng định tầm quan trọng của website là tính thân thiện với khách hàng ưu thế hơn trang mạng xã hội. Trước mắt khách hàng khó tính, thì một website với sự phân chia thông tin hợp lý và một giao diện độc đáo ghi điểm hơn hẳn trang mạng xã hội quen thuộc với việc tìm kiếm thông tin không hề dễ dàng.
Các quy định về việc sử dụng website đã được đưa vào luật từ năm 2008 với Nghị định số 97. Với những lợi ích của ngôi nhà ảo này mang lại, Bộ Công Thương đã hướng đến hoạt động thương mại, giao dịch qua trang điện tử này từ năm 2010. Cùng với điều đó, Trung tâm thương mại và phát triển thuộc Bộ Công Thương đã cho ra đời dự án eKip hỗ trợ giúp doanh nghiệp sở hữu một "ngôi nhà ảo" khang trang với mức giá ưu đãi. Một thông tin sản phẩm trên trang mạng xã hội có thể hiện diện hoặc bị "che lấp" bởi hàng loạt những thông tin khác. Một trang website thân thiện và độc đáo luôn là sự lựa chọn ưu tiên khi người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm. Tuy nhiên, nếu xét về đối tượng khách hàng giữa mạng xã hội và website thì mỗi nhóm đều có những đặc thù và tiềm năng riêng.
Vì thế, vấn đề không phải là doanh nghiệp chọn website hay mạng xã hội mà phải sử dụng tốt được cả hai "con gà đẻ trứng vàng" này. Trước sự bấp bênh của nền kinh tế và thói quen mua sắm online đang dần hình thành, doanh nghiệp Việt không thể chậm chân trước những cơ hội phủ sóng trên mảnh đất trực tuyến tiềm năng.
Theo Cục Thống kê TP.HCM  nếu có 89 doanh nghiệp sử dụng website để marketing và giao dịch trong 100 doanh nghiệp biết đến tiện ích này, thì chỉ có 3 doanh nghiệp có ý định tiếp tục đầu tư trong quá trình vận hành một website.
Đáng chú ý là chia theo các lĩnh vực thì nhóm doanh nghiệp hoạt động thương mại, bán buôn chỉ có 28% có website, nhóm dịch vụ chỉ dừng lại ở 26% và nhóm xây dựng vận tại chiếm thấp nhất, 13%.
Trong các chức năng của website: giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm được làm khá tốt, nhưng đặt hàng và thanh toán trực tuyến chỉ mới được tích hợp lần lượt 32% và 7% trong tổng số website hoạt động. (Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2011 - Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin).

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Quảng Cáo Truyền Hình - Ngân Sách Cần Được Phân Bổ Lại

Theo tờ Finalcial Times, một nghiên cứu mới được công bố dựa vào các số liệu người xem truyền hình cho thấy các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình Mỹ không đạt được lượng khán giả như mục tiêu mong đợi.


Các nhà quảng cáo sẽ phải phân bổ lại ngân sách cho các loại hình truyền thông mới như mobile 
Căn cứ vào các số liệu từ những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu là Nielsen và Kantar Media, công ty quảng cáo Simulmedia nhận thấy ba phần tư số quảng cáo tiếp thị trên truyền hình chỉ tiếp cận được 20% số khán giả mục tiêu.
Theo báo cáo, chiến dịch quảng cáo trị giá 6,3 triệu USD của công ty Unilever cho sản phẩm xịt toàn thân Axe hồi tháng Ba không tiếp cận được 60% số khán giả từ 18 đến 24 tuổi mà nhãn hàng nay muốn nhắm tới.
Tương tự, công ty bảo hiểm Progressive đã dành tới 31,9 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trên truyền hình hồi tháng Sáu vừa qua, song 1/5 số khán giả trưởng thành trên 20 tuổi đã không xem bất cứ spot quảng cáo này của hãng trong tháng.
Những số liệu nghèo nàn như vậy cũng được thể hiện qua các chiến dịch do các công ty quảng cáo hàng đầu của Mỹ thực hiện.
Điều đáng nói là mặc dù phải chia sẻ lượng khán giả cho những phương tiện truyền thông mới, song nhiều công ty lớn của Mỹ vẫn dành ngân sách quảng cáo lớn cho truyền hình. 
Theo WPP’s GroupM, các nhà quảng cáo Mỹ hy vọng sẽ phân bổ 42,2% tổng chi phí trong số 64 tỷ USD cho quảng cáo trên truyền hình trong năm nay, tăng 39% so với 5 năm qua.
Tuy nhiên, những số liệu mới được công bố trên đã cung cấp bằng chứng về mối nghi ngờ đã tồn tại bấy lâu nay về việc quảng cáo trên truyền hình không tiếp cận được rộng rãi số khán giả, dẫn tới việc các nhà quảng cáo sẽ phải phân bổ lại ngân sách cho các loại hình truyền thông khác. 

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Quảng cáo đột phá với Công nghệ tương tác

Công nghệ mới đột phá và dễ tiếp cận hơn sẽ là công cụ đắc dụng cho doanh nghiệp - những người sẽ chứng kiến khả năng tiếp thị quảng cáo của mình ngày càng có nhiều trải nghiệm mới lạ.

Các doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng họ đang phải "chiến đấu" tại một thị trường nóng bỏng trong việc quản lý thương hiệu. Bất kỳ sự thiếu sót hay sự nhàm chán nào trong vấn đề quảng cáo tiếp thị sẽ dẫn đến việc đánh mất thị phần. Chính vì thế, việc mở ra những khía cạnh mới, những cái nhìn mới và những tiềm năng mới là điều cấp bách. Hiện nay, hướng đi tích cực mở ra cho các doanh nghiệp là lựa chọn một công nghệ quảng cáo tương tác để thể hiện sức sáng tạo của mình, nhằm thu hút và lưu giữ sự chú ý của khách hàng đối với sản phẩm và thương hiệu của họ.




Trong vài năm trở lại đây, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, quảng cáo tương tác bằng công nghệ cao đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam, có thể kể đến một số công ty quảng cáo đi tiên phong trong lĩnh vực này như PPLUS - innovative ideas. Công nghệ quảng cáo tương tác đang xóa bỏ dần tính một chiều của quảng cáo, tạo ra một thế giới thực để tăng cường giao tiếp với người tiêu dùng, biến người tham gia thành một phần của thế giới tương tác. Tham gia một trò chơi, chia sẻ một thông điệp, hình ảnh... là những phương thức đơn giản mà khách hàng thường thực hiện để trở thành một phần của quảng cáo, thậm chí là một phần của sản phẩm, dịch vụ và cảm thấy gắn kết hơn với các hoạt động của doanh nghiệp.
Ngày càng có nhiều thương hiệu "chọn mặt gửi vàng" vào công nghệ quảng cáo tương tác. Đơn cử như nhãn hàng Lifebuoy phối hợp với PPLUS - innovative ideas thực hiện chiến dịch "Lifebuoy bảo vệ 10 loại vi khuẩn gây hại sức khỏe lây truyền qua tay" đi qua 4 thành phố trong 17 ngày và đã thu hút hơn 15.000 người tham gia tương tác.

 
 
Lifebuoy đã trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng bằng một màn hình cảm ứng đa điểm. Màn hình ngay lập tức sẽ chụp ảnh người chơi, nhận diện và bắt đầu trò chơi diệt vi khuẩn. Người chơi sẽ được chọn hình thức chơi tương ứng với 3 mùa trong năm (nắng, lạnh, mưa), mỗi mùa có những loại vi khuẩn đặc trưng khác nhau. Sau đó, người chơi có 30 giây để đẩy lùi vi khuẩn ra khỏi cơ thể bằng tay, trong lúc đó có rất nhiều vi khuẩn xuất hiện trên màn hình đa điểm để người chơi tiêu diệt. Chỉ cần nhanh tay diệt được 20 -25 con vi khuẩn, người chơi ngay lập tức sẽ trở thành người chiến thắng và được cấp giấy chứng nhận. Nếu thua, người chơi cũng vui vẻ ra về với thông điệp "Hãy để Lifebuoy bảo vệ bạn".
Bằng sự đột phá trong công nghệ tiếp cận, Lifebuoy muốn cùng khách hàng của mình trải nghiệm những hiệu ứng tương tác sống động, phản ứng dựa trên từng chuyển động của người tham gia như họ đang ở trên một môi trường thực, để họ bộc lộ cảm xúc thật của mình và từ đó, họ gắn bó hơn với Lifebuoy.


Không thể phủ nhận rằng sức mạnh của quảng cáo tương tác khơi gợi sự hứng thú, gây ấn tượng sâu sắc với người tham gia. Đây là môi trường lý tưởng để truyền đạt thông điệp tới khách hàng. Ngoài ra, việc doanh nghiệp sử dụng hình thức này có thể gắn thương hiệu, logo, thông điệp… của mình lên những món quà hoặc sản phẩm tặng cho người chơi cũng thể hiện sức lan tỏa lớn. Bên cạnh đó, với những hình thức như Facebook, e-mail hay các trang mạng xã hội khác, cùng với người chơi, hình ảnh của thương hiệu sẽ len lỏi đến nhiều người, cả cộng đồng, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh.

Các thương hiệu luôn tìm mọi cách để "chạm" vào người tiêu dùng của mình. Và một khi đưa công nghệ vào cuộc chơi quảng cáo, họ đã để khách hàng tự "chạm" vào thương hiệu, một cách rất tự nhiên và chân thật.


 

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Quảng Cáo trên Mobile – Không chỉ là SMS Marketing

Quảng cáo trên di động - Mobile marketing là sự phối hợp hoàn hảo của nhiều công cụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi nhắc đến mobile marketing, người ta thường hiểu nhầm là SMS marketing.



Trong khi đó, mobile marketing gồm tập hợp các công cụ hỗ trợ tiếp thị qua điện thoại bao gồm 7 công cụ : SMS, MMS, bluetooth, Internet, hồng ngoại, game/ app, location based service. Làm thế nào tối đa hóa hiệu quả khi kết hợp các công cụ này?

 Mobile marketing, hình thức có vẻ mới mà không mới tại thị trường Việt Nam. Khi nhắc đến mobile marketing, người ta thường hiểu nhầm là SMS marketing. Trong khi đó, mobile marketing gồm tập hợp các công cụ hỗ trợ tiếp thị qua điện thoại bao gồm 7 công cụ : SMS, MMS, bluetooth, Internet, hồng ngoại, game/ app, location based service.


 Hiện nay, 03 xu hứng mới nổi, phát triển nhanh nhất trong tương lai bên cạnh công cụ mobile marketing phổ biến và lâu đời – SMS marketing – là Internet mobile marketing, Game/ Ứng dụng và Location based services (Dịch vụ trên nền tảng định vị )


Nói đến SMS marketing, đây là hình thức khá phổ biến, đã được các doanh nghiệp Việt Nam đưa vào thực hiện các chiến dịch marketing của mình. SMS phổ biến vì khả năng phát huy tác dụng của nó trong môi trường mà điện thoại chỉ có những chức năng cơ bản, nó đảm bảo thông điệp có thể đến với người dùng dù họ sử dụng loại điện thoại nào đi nữa. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều hạn chế, hình ảnh thông điệp không được sinh động, và nếu thông điệp quảng cáo không liên quan đến nhu cầu của người dùng sẽ khiến họ dễ dàng bực bội.
 
Mobile internet marketing
Đối với hình thức Mobile Internet, theo dự báo, đây sẽ là hình thức phổ biến nhất trong tương lai. Bởi vì, Số lượng Smartphone tại Việt Nam còn chưa lớn, chỉ chiếm 30%, nhưng đang tăng rất nhanh. Thêm vào đó, các thiết bị di động ngày càng hiện đại, thuận tiện hơn cho người sử dụng mang đến việc truy cập Internet trở nên dễ dàng.Tất cả kết nối với thông điệp được truyền tải mang nhiều thông tin hơn, hình ảnh thu hút hơn thì hình thức quảng cáo này sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.


 Tuy nhiên, khi mà ngày càng nhiều người ưa chuộng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet thì ngày càng nhiều vấn đề nảy sinh. Thử một lần duyệt web mà không cài Flash Player, người dùng sẽ sớm nhận thấy sự cần thiết của phần mềm này. Ra đời để hỗ trợ nội dung hoạt họa, Flash đã rất thành công với 75% video trên web hiện nay được hiển thị thông qua Flash. Tuy nhiên, điều đáng thất vọng là phần lớn các thiết bị điện thoại thông minh, không hỗ trợ ứng dụng flash khiến người dùng không thể tận hưởng đầy đủ và trọn vẹn nội dung. Ngay cả đối với các sản phẩm đình đám khắp toàn cầu như iPhone hay iPad, Apple đã tuyên bố thẳng thừng việc không hỗ trợ phần mềm này.Dù được xem là thành công nhưng Flash vẫn không được coi là một phần mềm chuẩn vì đây là công nghệ độc quyền của một nhà cung cấp. Do đó, thế giới web cần một chương trình có thể tương thích được mọi trình duyệt và thiết bị, đó chính là lí do vì sao HTML 5 ra đời.
HTML5 là phiên bản phát triển nâng cao HTML, lợi thế của HTML5 là nó sẽ thành chuẩn web và ngày càng xuất hiện trong nhiều trình duyệt. HTML5 mang lại khả năng hỗ trợ video và audio “một cách tự nhiên”, tức người dùng có thể xem video trên trang web tương tự cách họ đọc nội dung dạng text (văn bản) mà không cần bận tâm hệ thống cài đặt Flash hay chương trình plug-in nào khác hay chưa. Và khi đó, việc iPad, iPhone và các thiết bị di động không có Flash cũng không còn vấn đề lớn. Đây chính là bước tiến lớn cho quảng cáo hiển thị trên web di động, người quảng cáo dễ dàng tiếp cận với những khách hàng tiềm năng của mình qua hình ảnh tích hợp sẵn, truyền tải mọi thông điệp và tương thích với mọi thiết bị của khách hàng.

Nghiên cứu những tính năng hữu ích của HTML 5, web dành cho di động đã mang đến giải pháp hoàn hảo cho những khách hàng của mình. Các banner quảng cáo được kết hợp từ những file hình ảnh và HTML 5, tương thích và hiển thị trên mọi loại thiết bị, giúp khách hàng tiếp cận đến đối tượng mục tiêu rất hiệu quả.



 Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của các công cụ quảng cáo trực tuyến, ngày càng có nhiều công cụ giúp cho việc quản lí và nhắm chọn đối tượng mục tiêu tốt hơn, không loại trừ những quảng cáo trên Smartphone. Với Doubleclick for Publisher, công cụ được Google nghiên cứu và phát triển, doanh nghiệp có thể quản lí chiến dịch quảng cáo của mình đến từng nhóm đối tượng nhỏ nhất và tiết kiệm chi phí trên từng chiến dịch quảng cáo của mình.Ví dụ, bạn lên một chiến dịch quảng cáo trên trang m.24h.com.vn, tiếp cận những đối tượng sử dụng Iphone, thì chỉ có những người sở hữu Iphone mới có thể nhìn thấy quảng cáo của bạn, còn các loại di động thông minh khác thì không, cực kì tiết kiệm và hiệu quả.

 Quảng cáo trong Game/ Ứng dụng

 Tuy là hình thức quảng cáo khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam nhưng nó đã phổ biến ở thị trường của Mỹ. Hình thức quảng cáo dựa trên các mạng quảng cáo di động,  cho phép các nhà phát triển phần mềm hay công ty quảng cáo có thể quảng cáo sản phẩm của mình trực tiếp trên ứng dụng của các sản phẩm với các hệ điều hành khác nhau.
 Tiên phong trong lĩnh vực này là mạng quảng cáo di động iAd của Apple, ra đời tháng 7/2010. Mạng quảng cáo giúp công ty quảng cáo có thể quảng cáo sản phẩm của mình trực tiếp trên ứng dụng của các sản phẩm của mình như iPhone, iPod, iPad, hệ điều hành iOs.



 Một ông lớn khác của lĩnh vực quảng cáo này chính là Google, việc thương vụ Google mua lại mạng quảng cáo Admob tháng 5/2010 đánh dấu bước chân chính thức của Google vào lĩnh vực này. Tương tự iAd của Apple, Google Admob cung cấp các dịch vụ quảng cáo qua các ứng dụng điện thoại di động nhưng với hệ điều hành Android.


 Ngoài ra, còn có rất nhiều mạng quảng cáo khác cho ứng dụng di động như AdMarket của Ericsson, InMobi của một công ty ở Ấn Độ, Research In Motion của Blackberry,.. báo hiệu một thị trường quảng cáo ứng dụng trên di động nở rộ trong tương lai.

Location Based services (Dịch vụ trên nền tảng định vị )

 Dự đoán đến 2013, đây sẽ là năm bùng nổ của hình thức thương mại điện tử, hình thức Location based Services sẽ đem đến những chiêu tiếp thị hay nhất cho doanh nghiệp.
Location Based Services cung cấp các dịch vụ các nhân cho những thuê bao dựa trên vị trí hiện tại của họ. Có 2 phương phát được dùng để xác định vị trí của các thuê bao di động: phương pháp cơ bản và nâng cao.



Phương pháp cơ bản là phương pháp dựa trên sự hiểu biết về mã pin của các thuê bao đang dùng (cell ID). Kỹ thuật này có thể dùng riêng hoặc kết hợp với thông tin có sẵn của nhà mạng hoặc những thông tin trong thiết bị di động đã có.
 Phương pháp nâng cao là một số chứng năng được cung cấp sẵn trong di động như OTD, GPS để mạng có thể xác định vị trí người dùng. Nhờ các dịch vụ này, các thiết bị di động sẽ trở thành công cụ kết nối trực tiếp và nhanh nhất đến những khách hàng tiềm năng.

 Thêm vào đó, trong một dịch vụ mới đây do Google cung cấp, “Google Mobile Ads”, dịch vụ này cung cấp ứng dụng được gọi là  “click to call” rất hữu ích và tiện dụng. Bạn hãy tưởng tượng, bạn có 1 nhà hàng với tên, số điện thoại, địa chỉ, bạn sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin này khi đăng kí dịch vụ. Sau đó, những người dùng thiết bị di động, cần tìm thông tin, click thẳng vào những thông tin đó để gọi hoặc kết nối trực tiếp với ứng dụng Google Map tìm ra con đường nhanh nhất đến nhà hàng của bạn, đây một hình thức cực kì nhanh chóng và tiện lợi. Do đó, hình thức quảng cáo trực tuyến trên mobile sẽ ngày càng phát huy tác dụng to lớn của mình.



Như vậy, với sự phát triển vượt bậc và canh tranh không ngừng của các công ty công nghê hàng đầu trên thế giới, hứa hẹn đem đến những thiết bị thông minh nhất cho người dùng. Tất cả sẽ thúc đẩy quảng cáo trực tuyến trên điện thoại, cùng với những lợi ích của nó sẽ phát triển trên tầm cao mới. Làm thế nào để kết hợp hiệu quả những công cụ trong mobile marketing cho chiến dịch của bạn, hãy cùng theo dõi những bài viết tiếp theo.




Ấn Tượng với Những Bức Ảnh Quảng Cáo Cực Kỳ Độc Đáo


Trong thế giới ngày nay, quảng cáo và nhãn hàng ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong thành công của một sản phẩm hoặc một công ty.


Để thành công, các chiến dịch quảng cáo phải đưa ra những thông điệp mạnh, có khả năng thu hút và nắm lấy sự chú ý giới hạn của người tiêu dùng. Điều này không hề dễ trong một thế giới mà thông điệp tiềm thức được truyền đạt từ vô số các phương tiện truyền thông vào mọi lúc trong ngày.
Dưới đây là một số quảng cáo sáng tạo nhất được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng khắp nơi trên thế giới.
Tác hại của hút thuốc lá
Khoai tây chiên giòn và cay

Quảng cáo của hãng Bosch: Siêu công cụ nhanh tới mức một con ruồi cũng có thể bị mắc kẹt. 

Bây giờ ở Anh là mùa hè, hãy lên kế hoạch du lịch với Eurostar. 

Quảng cáo cho trà Nestea.

Con chuột nuốt con voi - cất giữ những thứ không thể với Sony. 

Quảng cáo xe Volkswagen: Chuyến đi tới bãi biển

Quảng cáo xe nâng Komatsu

Quảng cáo cà phê miễn phí của McDonald

Quảng cáo sữa

Giày Columbia dành cho các môn thể thao ngoài trời.

Quảng cáo về sự ấm lên của toàn cầu











Google Phá Vỡ “Giá Trị Cốt Lõi” với Quảng Cáo Trên Trang Chủ


Google đã phá vỡ truyền thống được giữ suốt 18 năm tồn tại của mình khi lần đầu tiên đặt nội dung quảng cáo trên chính trang chủ của Google, vốn được giữ đơn giản ở mức tối đa nhất trong suốt 18 năm qua.



Một quảng cáo đã bất ngờ xuất hiện trên trang chủ của Google mới đây với nội dung quảng bá cho chiếc máy tính bảng giá rẻ Nexus 7 của “gã khổng lồ tìm kiếm”.

Hình ảnh một góc chiếc máy ảnh bảng Nexus 7 xuất hiện ngay bên dưới khung tìm kiếm trên trang chủ của Google, kèm theo đoạn thông điệp: “Sân chơi đã mở cửa. Máy tính bảng mới giá 199 USD từ Google”. Khi kích vào biểu tượng Nexus 7 này, người dùng sẽ được chuyển đến trang web của Nexus 7 trên kho ứng dụng Google Play của Google, nơi người dùng có thể đặt mua sản phẩm.

Quảng cáo Nexus 7 “công khai” trên trang chủ Google
Đây là lần đầu tiên một đoạn quảng cáo được xuất hiện trên trang chủ của Google. Động thái này đã khiến giới công nghệ xôn xao bàn tán, bởi lẽ hành động này đã đi ngược với truyền thống và tuyên bố của Google trước đó.

“Giao diện trang chủ của chúng tôi rất sáng và đơn giản và nội dung trang web được tải một cách nhanh chóng. Ví trí quảng cáo trên trang chủ sẽ không được bán cho bất kỳ ai và quảng cáo sẽ khiến người dùng bị mất tập trung”, Google từng truyên bố trong bảng thông báo “giá trị cốt lõi” của công ty.

Trước đó, ngoại trừ các Google Doodle (các biểu tượng vui trên trang chủ Google vào mỗi dịp đặc biệt), Google thường cố gắng giữ cho trang chủ của mình luôn được đơn giản hóa ở mức tối đa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của quảng cáo trên trang chủ đã khiến giới công nghệ đánh giá Google đã làm xấu đi hình ảnh của chính mình khi đi trái nguyên tắc truyền thống vốn rất tốt đẹp trước đó.

“Google cũng như các doanh nghiệp khác, đang cố gắng tìm kiếm từng xu từ sản phẩm của mình”, Chris Matyszcyk, biên tập viên của trang công nghệCnet nhận xét.

Nhiều người lại cho rằng động thái này của Google nhằm để quảng bá mạnh hơn cho chiếc máy tính bảng giá rẻ của mình trước khi Apple tung ra phiên bản iPad giá rẻ được cho là vào tháng 10 tới đây, còn Amazon cũng sẽ trình làng Kindle Fire thế hệ mới trong tuần tới.

Trước đó, Google cũng từng đặt các đường link quảng cáo trên trang chủ của mình, tuy nhiên chỉ là một đường link nhỏ, thay vì cả một bảng quảng cáo lớn như hiện tại. 

Vào năm 2010, Google đã đặt một đường dẫn liên kết đến chiếc smartphone Nexus One, smartphone mang thương hiệu đầu tiên của Google. Tuy nhiên đường dẫn liên kết chỉ mang tính chất giới thiệu và chuyển đến trang web thông tin về sản phẩm, thay vì chuyển đến trang web để đặt mua sản phẩm như với quảng cáo của Nexus 7. 

Thông tin về smartphone Nexus One từng xuất hiện trên trang chủ Google vào năm 2010
Vào đầu năm nay, Google cũng đặt một đoạn thông điệp trên trang chủ của mình để phản đối “dự luật giết chết Internet” SOPA trong thời gian dự luật này đang được xem xét để thông qua. Tuy nhiên thông điệp này chỉ mang tính chất phản đối dự luật, thay vì quảng cáo cho một  sản phẩm cụ thể.

Thông điệp phản đối dự luật SOPA trên trang chủ Google vào đầu năm nay
Với hàng tỷ lượt truy cập mỗi ngày, giá trị ước tính cho mỗi quảng cáo trên trang chủ của Google có thể lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi ngày đặt quảng cáo.