Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Muôn Kiểu Quảng Cáo Trong Trường Học

Các hình thức quảng cáo, tiếp thị xuất hiện ngày một nhiều trong môi trường giáo dục đã khiến không ít học sinh và phụ huynh tỏ ra bức xúc. Gần đây, tại nhiều trường học trên địa bàn TPHCM thường xuyên xuất hiện các loại hình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hướng vào các khách hàng là học sinh, phụ huynh đã phần nào ảnh hưởng đến tính nghiêm túc vốn có của trường học, làm giảm chất lượng giảng dạy cũng như uy tín của ngành.




Ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy và học, hoạt động giáo dục tại các trường và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Các khoản tài trợ cần được tiếp nhận, quản lý và thực hiện một cách hiệu quả. Riêng đối với các nhà tài trợ thì không gắn điều kiện ràng buộc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, dù không còn cảnh treo băng rôn, áp phích quảng cáo, trưng bày lộ liễu như trước đây nhưng vẫn tồn tại các loại quảng cáo sản phẩm dưới hình thức như: tổ chức ngày hội, tặng học bổng, phát tờ rơi, phát sản phẩm miễn phí, cho dùng thử sản phẩm, bốc thăm may mắn, các trò chơi kèm quà tặng, dạy tiếng anh cho trẻ em… được in thành dạng tờ rơi, áp phích dán tường kèm tranh ảnh phụ họa đẹp mắt. Đặc biệt, để thu hút khách hàng là trẻ em, các công ty tiếp thị thường mở các gian hàng lưu động với đội ngũ nhân viên trẻ trung, nhiệt tình kèm hình thức cho sử dụng sản phẩm miễn phí. Đây là một trong những hình thức quảng cáo đơn giản, ít tốn kém hơn so với các hình thức quảng cáo khác.

Những hình ảnh quảng cáo xuất hiện nhan nhản trong khuôn viên các trường học tại Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi cho biết: Bây giờ người ta vào trường chào bán đủ các loại sản phẩm. Có khi đem cả sữa, bột nêm vào trong trường với hình thức hỗ trợ, giải trí, cho các em chơi trò chơi để mà quảng cáo. Lý do mà họ vào được từng lớp là có sự đồng ý của hiệu trưởng: "Thấy quảng cáo nhiều, các loại sách toán, mẹo vặt học tập, xếp giấy, trang trí, sản phẩm mới, bút thông minh. Nói chung những sản phẩm nào mới ra là đem vào quảng cáo, cho mấy nhân viên đi phát tờ rơi, giới thiệu về sản phẩm, xin phép hiệu trưởng vô lớp vào giờ nghỉ giải lao hoặc chuẩn bị nghỉ. Hiệu trưởng xem, thấy sản phẩm được thì cho vào, còn không được thì thôi".

Và cũng có khi hiệu trưởng còn đồng ý dành cả thời gian sau buổi chào cờ sáng thứ hai cho những công ty này giới thiệu sản phẩm và dành cho 2, 3 ngày để bán. Cô Vũ Diễm Phượng, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 2 cho biết: "Thứ hai chào cờ cô hiệu trưởng cho sinh hoạt với các em rồi cho bán mấy ngày ở trường. Như trường An Khánh có công ty sách nào đó về bán 2 ngày, rồi học sinh muốn mua thì ra mua trực tiếp luôn. Còn giáo viên chủ nhiệm không biết vì bán nhiều sách từ lớp 1 đến lớp 5, thường là truyện với sách. Rồi người ta cũng gửi các bảng giá photo để GVCN phát cho mỗi em một tờ, muốn mua gì thì mua, muốn mua bao nhiêu, sách gì tên gì, giá bao nhiêu, vậy đó".

Chương trình sữa học đường của Vinamilk
Theo ý kiến của một số phụ huynh thì họ cảm thấy rất phiền phức mỗi khi các bé về nhà khóc lóc đòi mua đồ dùng học tập, sách tham khảo, bộ xếp hình mà cô giáo trên lớp nói đóng tiền cho cô mua giùm. Cô giáo đã “chỉ đạo” như vậy thì học sinh và phụ huynh nào dám không mua? Mặc dù số tiền bỏ ra không phải là nhỏ còn những quyển sách tham khảo đó sử dụng vào mục đích gì thì ai cũng biết. Giải thích vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường chấp nhận cho quảng cáo vì nguồn lợi mà các công ty, doanh nghiệp mang lại cho nhà trường là chính: "Tôi nghĩ, nếu mà cần thiết thì được, còn không thì thôi. Những cái không cần thiết thì thôi, mắc mớ gì mình phải mua, mà trường làm vậy cũng không đúng, có thể lần đó mua nhưng rồi sẽ có ý kiến với nhà trường, lâu lâu mua một lần thì được, chứ cứ vậy hoài  thì không được, quan trọng là những thứ đó có phục vụ lợi ích gì cho việc học không?" .

Hay "Bây giờ loạn về sách tham khảo luôn, phụ huynh cũng giống như ma trận trong sách tham khảo. Rồi có những bộ sách tiếng Anh, rồi mua đĩa để học gồm đĩa hình, đĩa tiếng. Rồi những cuốn sách in màu mè đẹp lắm, mấy trăm ngàn một cuốn, nhưng mà thật ra cũng chẳng có học hành gì được nhiều mà mình vẫn phải mua trọn bộ cũng do nhà trường bán, cũng có cái khổ, vì giáo viên bảo cái gì thì làm cái đó".
Chị Trần Kim Chi, đại diện một trường Anh ngữ quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quảng cáo rẻ tiền mà hiệu quả nhất là quảng cáo trong trường học bằng cách tổ chức phát quà, tổ chức ngày hội thiếu nhi, phát tờ rơi trước cổng trường: "Phát tờ rơi ngay trường, nhưng mà kinh nghiệm là cho mấy em khá giỏi thì khả năng đóng tiền học cao hơn, ví dụ trung thu nè, tổ chức phát bánh hay đồ chơi xong, các em tới rồi cho tờ rơi cộng thêm phiếu giảm tiền để các em về cho ba mẹ coi, hoặc là phụ huynh chở con tới, người ta ngồi coi rồi sẵn giới thiệu luôn, giống như mình tổ chức event quảng cáo vậy. Có nghĩa là trong quá trình vui chơi sẽ có những câu hỏi hoặc là những trò chơi, ai trả lời được sẽ được tặng phiếu giảm giá học phí tiếng Anh".

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD - ĐT cho rằng: sự hiện diện của quảng cáo thường là các trường mầm non, tiểu học và một số trường THCS, THPT còn thiếu một số cơ sở vật chất. Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để quảng cáo bằng cách tài trợ một số cơ sở vật chất như bảng thông báo, sơn tường cho trường… kèm theo phần diện tích quảng cáo khá nhiều cho sản phẩm của mình. Hiện, văn bản thông báo cấm quảng cáo trong trường học mới quy định nên vẫn còn một số trường chưa hết thời hạn hợp đồng quảng cáo, nhưng sẽ kiên quyết cho gỡ xuống hết. Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp cho biết: "Các công ty mượn danh nghĩa hỗ trợ nhưng thực chất là để quảng cáo, biến nhà trường thành một thị trường khuyến mãi thì hết sức không đúng. Ở Việt Nam hiện nay, cách các trường quảng cáo là họ vô họ sơn cho mình một cánh cửa, treo một cái băng rôn mục đích là khuyến mãi và học sinh thì rất thích những cái quảng cáo, vì quảng cáo luôn luôn tạo sự hấp dẫn và đứa bé về đòi hỏi cha mẹ và họ tạo được thị phần rất lớn từ học sinh. Điều đó có tác dụng giáo dục rất kém, nên ban giám đốc cũng kiên quết là năm nay sẽ không có cho bất kỳ một bảng quảng cáo nào trong nhà trường".

Quảng cáo trên phiếu bé ngoan.
Đành rằng khi tiếp thị sản phẩm nào đó, doanh nghiệp đều kèm theo hình thức cho, biếu, dùng thử sản phẩm miễn phí khiến phụ huynh và học sinh thích thú, nhưng về lâu dài nếu cứ tiếp tục cho phép quảng cáo trong trường học như vậy sẽ biến môi trường giáo dục thành một cái chợ. Theo ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Phòng quản lý thông tin, Sở Thông tin truyền thông TPHCM cho biết: Các công ty hiện tiến hành hoạt động quảng cáo, tiếp thị ở trường học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hoạt động vi phạm quyết định số 108/2002 của UBND TP quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TPHCM. Trường học là khuôn viên không dành cho các hoạt động này và đã có quy định đây là khu vực cấm quảng cáo. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kỹ để tránh xảy ra việc quảng cáo trá hình. Không thể nào trong sân trường tiểu học lại giới thiệu những sản phẩm cổ vũ một khuynh hướng tiêu dùng, khiến trẻ em chi phối ngược lại túi tiền của cha mẹ các em.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM cho biết, từ đầu năm học 2012-2013, ngành giáo dục thành phố kiên quyết xóa quảng cáo tại các trường học. Thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm tra nhắc nhở, nếu các trường vi phạm tùy theo mức độ phê bình, cảnh cáo, xem xét thi đua, thậm chí xử phạt theo quy định. Nếu phụ huynh hay học sinh nào phát hiện trường đó có cho tiếp thị quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào thì gọi về đường dây nóng, Sở GD - ĐT sẽ xuống xử phạt trường đó. Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Từ đầu năm, Sở đã có văn bản nghiêm cấm tất cả các hoạt động quảng cáo, tiếp thị gởi các đơn vị rồi. Bây giờ có những vấn đề gì thì cho xin địa chỉ cụ thể, phản ánh cụ thể, Sở cũng có một đường dây nóng để phụ huynh thông tin là 38.22.33.58, nếu đúng thực tế, Sở cũng sẽ xuống kiểm tra xử phạt. Theo phân cấp quản lý thì từ trường THCS trở xuống là do Phòng giáo dục quận - huyện quản lý. Còn lại các trường trực thuộc Sở, có gì phụ huynh sẽ thông tin ở đường dây nóng hoặc có đơn phản ánh thì Sở sẽ xuống, tùy theo phân cấp của mình để làm việc".

Hiện nay, các hoạt động trang trí trường lớp, tạo cảnh quan môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học sinh được xem là nội dung quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong năm học này. Nhưng không vì thế mà để ngành công nghiệp quảng cáo ồ ạt lấn sâu vào môi trường giáo dục. Các ban, ngành liên quan cần phải mạnh tay xử phạt để trả lại cho trường học một môi trường học tập lành mạnh, tránh làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc vốn có của trường học và làm giảm chất lượng giảng dạy cũng như uy tín của ngành.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét