Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Sức mạnh của marketing trực tuyến


Sức mạnh của marketing trực tuyến

Sự phát triển của internet đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Song song với các phương tiện truyền thống như tivi, báo chí, hình thức marketing trực tuyến (trong đó có mạng xã hội) đã mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) phải biết cách thì mới đạt được hiệu quả lâu dài.
Tiềm năng lớn 

Số liệu điều tra của Yahoo! tại Việt Nam trong năm 2010 cho kết quả: 71% người truy cập internet tại nhà, 46% tại quán cà phê, 16% thông qua điện thoại, 15% từ bạn bè, 25% nơi công sở và 11% từ trường học. 

Thống kê của ComSore năm 2010 cũng cho thấy, số người dùng phương tiện truyền thông hiện đại này đang không ngừng tăng lên. 

Có đến hơn 30 triệu người sử dụng internet, trong đó 8,5% thời gian người Việt Nam vào internet để đọc tin tức và 91% để tìm kiếm thông tin. 

Không chỉ vậy, có 35% số người dùng internet ở Việt Nam từng tham khảo thông tin trên các diễn đàn và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè chỉ dẫn, fanpage, quảng cáo trên các mạng xã hội (MXH) trước khi mua hàng hay dịch vụ. 

Đây chính là môi trường lý tưởng và quan trọng để các DN phát triển thương hiệu trực tuyến, trong đó không thể thiếu marketing trực tuyến. 

Kênh tiếp thị này đang phát triển nhanh chóng, nhưng các DN nhỏ bước vào thị trường nhanh và năng động hơn nhiều so với DN lớn. 

Tuy nhiên, chính sự nhanh nhạy của các DN nhỏ đã thúc đẩy ngày càng nhiều DN lớn tham gia lĩnh vực này. 

Theo các chuyên gia, trong các hình thức tiếp thị trực tuyến, tiếp thị qua MXH đang phát triển mạnh mẽ. Khảo sát của Công ty Truyền thông Vinalink gần đây cho thấy, hơn một nửa số người dùng internet ở Việt Nam đang sử dụng ít nhất một MXH. 

Trên thế giới, hầu hết các thương hiệu lớn đều sử dụng MXH làm công cụ marketing và họ đã sử dụng từ lâu. 

Trong một buổi hội thảo về vấn đề marketing qua MXH diễn ra vào đầu tháng này tại Việt Nam, ông Marc Divine, Phó giáo sư Trường IAE Paris, đã cho biết một kết quả thú vị: Trong 200 công ty quốc tế như IBM, L’Oréal, Unilever... mà ông khảo sát, có đến 54% sử dụng MXH làm công cụ marketing từ rất lâu. 

Các giám đốc marketing sử dụng MXH để quảng bá thương hiệu, tạo hiệu ứng lan truyền, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và thu thập phản hồi của khách hàng, tạo nên sự gắn kết với đội ngũ nhân viên hiện thời và thu hút nhân viên tiềm năng. 

Nghiên cứu của Regus, nhà cung cấp các giải pháp không gian làm việc hàng đầu thế giới, vào cuối năm ngoái cũng cho thấy, việc dùng MXH đang mang lại những thành công lớn. 

Có đến 62% DN thành công trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua MXH và 77% DN tin rằng tính hữu dụng chính của MXH là khả năng kiểm soát và kết nối với các nhóm khách hàng. 

Nhưng phải biết cách 

Marketing trực tuyến là phương pháp tiếp thị đặc thù và cần thiết trong môi trường marketing mới. Tuy nhiên, các DN trong nước chưa tận dụng được tối đa các kênh truyền thông này. 

Chính vì vậy mà vấn đề tiếp thị trực tuyến vẫn chưa được các DN quan tâm đúng mức. Khảo sát của Công ty Nhất Duy, chuyên xây dựng thương hiệu trực tuyến, cho thấy, có đến 82% website DN không được cập nhật thông tin thường xuyên, 73% DN chưa đầu tư đúng mức vào xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến, 85% DN chưa có bộ phận marketing trực tuyến chuyên nghiệp. 

Ông Phạm Năng Khoa, Giám đốc sáng lập Công ty Nhất Duy, cho rằng: “Mặc dù tiếp thị trực tuyến đang ngày càng được nhiều DN quan tâm, nhưng phần lớn những hoạt động này đều được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu để quảng bá một chương trình, kế hoạch của DN chứ chưa có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp”. 

Ông Nguyễn Hà Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty AKA Digital, chia sẻ tại buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Marketing Manager, nếu đã chọn truyền thông trực tuyến thì DN phải xác định được phân khúc sản phẩm nhắm đến đối tượng nào để có thể đưa ra chiến lược marketing phù hợp, thu hút được khách hàng và đưa khách hàng quay trở lại. 

Cùng nhận định này, ông Chris Trần, Giám đốc Truyền thông số Công ty New Media Edge, khuyên: “Để hoạt động marketing trực tuyến mang lại hiệu quả thực sự, DN cần đưa ra các tiêu chí đánh giá chính xác mục tiêu marketing và khi đã xác định được mục tiêu rồi thì sẽ biết mình nên đo lường như thế nào. Mỗi ngành hàng có cách chọn kênh marketing trực tuyến riêng. 

Chẳng hạn như ngành hàng tiêu dùng nhanh có ngân sách marketing lớn nhưng khách hàng lại không có nhu cầu mua hàng qua mạng, vì vậy nên nhắm đến mục tiêu quảng bá thương hiệu, tạo ra độ nhận biết thương hiệu. Mà hình thức quảng bá này nên lấy tiêu chí tiếp cận và tiếp cận bao nhiêu lần để làm thước đo hiệu quả. 

Ngoài việc chọn kênh tùy theo yêu cầu của từng ngành hàng, chiến dịch cụ thể, các DN cũng phải biết chọn mạng trực tuyến phù hợp để thực hiện. Đồng thời cũng nên chọn vị trí nào cho “đắc địa” và ít DN quảng bá”. 

Riêng đối với MXH, lời khuyên của các chuyên gia marketing là các DN nên truyền tải những thông điệp khác nhau trên các phương tiện khác nhau. Qua các MXH, DN nên giảm bớt các dạng tuyên bố chính thức mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo sự kết nối với khách hàng. 

Và, “Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên MXH nên xác định đích ngắm là người dùng thành thị và những người có thói quen sử dụng MXH”, ông Hà Tuấn, Gíam đốc Công ty Vinalink chỉ dẫn. 

Tiềm năng phát triển marketing trực tuyến rất lớn và ai cũng thấy, thế nhưng, đây là một thị trường mở cộng với sự cạnh tranh từ các DN nước ngoài, nên các DN Việt Nam phải có sự đầu tư nghiêm túc, lâu dài mới có thể thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét